Gặp mặt đồng hương Huế tại TPHCM
Ngày 3/3, tại TP. Hồ Chí Minh, gần 500 người Huế đang sống tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có buổi gặp...
Không cần thiết phải mất thì giờ để nói thêm về vẻ đẹp của dòng sông này. Người ta đã nói khá nhiều, những bậc tài danh, và những người mà bước chân lãng du từng in dấu qua nhiều dòng sông đẹp nổi tiếng thế giới. Không chỉ bằng lời, mà còn bằng văn chương, thi ca, âm nhạc, hội hoa, phim, ảnh v.v…
Nhưng có lẽ, tốt hơn hết là hãy đến tận nơi, đắm mình vào trong nó, hòa vào đời sống chính nó, khám phá, chiêm nghiệm nó, và… tự cảm nhận.
Vẻ đẹp ấy do Trời – Đất sinh ra, như bông lan rừng, như nàng mỹ nữ, như sắc thắm của đóa hoa hồng nở trong sương sớm, khum khum giữ lại trong cánh mỏng của mình những giọt sương nhỏ, long lanh.
Kể từ khi Nguyễn Hoàng vào Ái Tử trấn nhậm phương Nam cho đến khi các chúa Nguyễn tìm được sông Hương làm “chỗ dừng chân” nơi làng Kim Long, dòng sông ấy đã mất 78 năm chờ đợi (1556 – 1636). Còn chỉ từ Kim Long về tới làng Phú Xuân, cách nhau chừng năm cây số, mất 51 năm (1636 – 1687). Trịnh – Nguyễn phân tranh, đất nước đắm chìm trong triền miên chiến trận. Thêm 118 năm nữa (1687 – 1805) để có được hòa bình, xây dựng kinh đô. Quãng đường Ái Tử – Phú Xuân mất 247 năm. “Đã biết bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu?!”.
Kinh đô Phú Xuân bên bờ sông Hương không lớn, mặc dù triều vua Minh Mạng tiếp nối triều vua Gia long là giai đoạn phồn vinh trong toàn bộ quá trình phát triển của đất nước từ Cổ Loa đến Phú Xuân. Lãnh thổ chưa bao giờ rộng lớn hơn, sản vật chưa bao giờ giàu có hơn, dân cư chưa bao giờ đông đúc hơn. Chiều Bắc – Nam, từ ải Bắc đến mũi Cà Mau, ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Chiều Tây – Đông, từ lũy Trấn Ninh đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, rừng vàng, biển bạc trong khi số dân chỉ hơn năm triệu người. Vậy mà kinh thành nhỏ bé, khiêm nhường, nép cạnh dòng sông, nhún mình xuống, hòa vào trong, hợp thành một. “…Những dòng kênh như thêu ren, chạm khắc…”. Ứng xử ấy là một ứng xử văn hóa, ứng xử của người quân tử trước tạo vật.
Thiên nhiên khắc nghiệt, đất cát khô cằn, chỉ với sản vật từ chính dòng sông, và những mảnh vườn được dòng sông tưới tắm, bằng trí tuệ và tài khéo, cư dân châu thổ sông Hương đã sáng tạo cho mình, cho cộng đồng, và… cho hậu thế những sáng tạo đặc sắc bằng thành tựu của một nền văn hóa ẩm thực dân dã mà cao sang, hàm chứa một kho tàng tri thức Việt, uyên thâm về tự nhiên và xã hội. Cá bống thệ kho rim, bát canh cá dìa ngon ngọt, tô cơm hến nồng nàn, trái vả xanh kho chung với tôm thịt, thậm chí cát, sạn móc từ đáy sông xây dựng kinh thành… là những gì sông Hương rút ruột dâng đời.
Dòng sông ấy thực sự là chiếc nôi ấm, mềm sản sinh những câu hò, điệu lý vang vọng trong không gian và thời gian, để nuôi dưỡng một tình yêu lịch sử và thiên nhiên sâu thẳm, ru vỗ, an ủi con người.
Tưởng nhớ nàng công chúa nhà Trần đã vì nghĩa lớn dấn thân, câu hò trên dòng sông vút cao, lan xa, truyền đi trên sóng nước: “Nước non ngàn dặm ra đi… Mượn màu son phấn, đền nợ Ô – Ly…”. Ngậm ngùi trước thất bại của vị vua yêu nước và các nghĩa sĩ, giọng mái nhì trên dòng sông ai oán: “Chiều chiều… trước bến Văn Lâu/Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm, ai thương, ai cảm, ai đợi, ai trông, thuyền ai thấp thoáng bên sông…?”. Tất cả, tất cả thường hằng, rì rào như tiếng sóng nhẹ vỗ về bờ cỏ, như tiếng chuông chiều man mác, ngân nga truyền lan trên mặt sông, như tiếng gió reo trong ngàn thông đôi bờ, trải thời gian, đã kết tụ, thăng hoa thành Nhã nhạc cung đình, trở thành giá trị văn hóa phi vật thể, đóng góp vào đời sống nhân loại.
Những làng nghề đẹp như tranh trải dọc hai bờ như chuỗi ngọc long lanh cung ứng cho đất kinh kỳ những sản phẩm của tài hoa.
Ru em, em “théc” cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai…
…Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương…
Câu hát ru em cứ thế dài ra như một danh mục phong phú hướng dẫn cư dân tìm đúng địa chỉ cần tìm trong đời sống thường nhật.
Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, không son phấn, sông Hương còn đẹp hơn lên nhiều lần trong nhịp sống cần lao. Chính tâm thế văn hóa và giá trị cần lao đầy ý thức đã làm cho sông Hương trở thành một vẻ đẹp tự thân, kín đáo, đằm thắm mà thẳm sâu, không dễ gì nhận biết.
Vẻ đẹp ấy được bắt nguồn từ gốc rễ sâu xa nơi Như Nguyệt hà: “Như hà nghịch Lỗ lai xâm phạm…”, trong tiếng trống trận Vạn Kiếp, Bạch Đằng, mà cũng tiếp nối mạch nguồn “Cư trần – Lạc Đạo” từ ngàn thông trên núi thiêng Yên Tử. Đời sống mà dòng sông ấy kế thừa, kết tinh và phát triển nằm trong quỹ đạo mạch lạc của văn hóa Việt Nam, để thăng hoa thành một sắc thái văn hóa mới, sắc thái Phú Xuân, đóng góp vào văn hóa Việt. Ẩn sâu trong sắc thái ấy, trong con sóng tưởng như hiền hòa của dòng sông ấy, thi hào họ Cao đã nhìn ra ánh kiếm lạnh sắc chĩa thẳng lên trời xanh: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”.
Sông Hương như một kiều nữ, tài sắc vẹn toàn. Nhan sắc là của trời cho, còn tài năng, hay một cách nói khác, gia tài văn hóa là kết quả của cả một quá trình cần lao, nhiều đời tạo dựng.
Sông Hương là một đóa hồng trong thiên nhiên lộng lẫy, tỏa hương quyến rũ và những giá trị nhân văn, những kiến trúc – đô thị đôi bờ là những giọt sương long lanh…
Bằng Sơn
Ngày 3/3, tại TP. Hồ Chí Minh, gần 500 người Huế đang sống tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có buổi gặp...
Diễn ra trong hai ngày 6 và 7/4, hội trại truyền thống đồng hương Huế tại TP. Hồ Chí Minh lần thứ 35 đã thu hút...
Sự kiện gặp mặt mừng xuân 2024 của Hội đồng hương TT Huế tại TPHCM sẽ diễn ra ngày 3/3 tại Trung tâm Hội nghị...